TỰ ĐIỂN THÔNG THIÊN HỌC

Nhà xuất bản The Theosophical Publishing House (TPH) tại Hoa Kỳ đầu năm 2007 cho ra quyển Theosophical Encyclopedia, khổ lớn, hơn 700 trang, bìa cứng, giá 48 Mỹ kim cộng cước phí. Quyển sách này đáng hoan nghênh vì đây là một việc cần làm từ lâu, nay mới được hoàn thành.
Nhiều lý do hợp lại khiến cần phải có tự điển TTH. Đầu tiên, khi hội mới thành lập năm 1875 và bà Blavatsky viết sách trình bầy MTTL, ta chưa có ngữ vựng về TTH dồi dào, đầy đủ như ngày nay. Những chữ mà bây giờ độc giả quen thuộc như thể phách (thể sinh lực), thể vía (tình cảm), cõi trung giới, cõi thượng giới, căn thể, hồn khóm, luân xa v.v. lúc ấy chưa có trong Anh hay Pháp văn. Nhiều ý niệm cũng hoặc chưa có hoặc xa lạ với người tây phương, thí dụ có sự nhầm lẫn giữa việc chuyển hồn (metempsychosis, từ người sang vật)  và tái sinh. Tây phương cho rằng tái sinh là chuyển hồn trong khi hiểu theo MTTL thì không có việc chuyển hồn. Có hiểu lầm vì khi hai nền văn hóa đông phương (chính yếu là Ấn Độ) và tây phương gặp nhau, do bất đồng ngôn ngữ  nên triết lý đông phương không được học giả tây phương thấu đáo; hoặc có khi do kỳ thị chủng tộc mà học giả tây phương chấp nhận diễn dịch sai lầm vì coi thường triết lý Á đông, tin rằng người Á đông kém thông minh vì mê tín dị đoan, như tin ông bà mình đầu thai thành chuột bọ do đó không dám diệt trừ chuột bọ; mà cũng có khi người bản xứ muốn che dấu hiểu biết bí truyền, không muốn tiết lộ điều họ xem là thiêng liêng cho người da trắng biết nên không giải thích chính xác, cặn kẽ.
Công việc của bà Blavatsky và những vị khác về sau là diễn giải các ý niệm của MTTL cho thế giới cùng đính chính, chữa lại quan niệm sai lầm của các nhà đông phương học (Orientalists), Phật học khi đó; muốn làm vậy họ phải dùng những chữ mới để tả ý niệm mới (thí dụ Devachan, prana); hoặc dùng chữ sẵn có hiểu theo một ý mới (thí dụ luân xa, wheel, cảnh, subplane). Khi người viết dùng chữ mới hay sẵn có theo một nghĩa riêng biệt mà người đọc không hiểu giống vậy thì có sự hiểu lầm; và khi hai tác giả dùng cùng một chữ nhưng với hai nghĩa khác nhau thì thế hệ sau chỉ có nước vò đầu gãi tai, thắc mắc không biết tác giả cách đây trăm năm muốn nói gì.
Đó là tình trạng trong mấy chục năm đầu của hội, thế nên ngay từ thuở ấy đã có người nhận ra nhu cầu cần có một tự điển TTH để giải thích sự khác biệt về chữ, về ý niệm v.v. hay thấy trong sách vở TTH. Nay ao ước đã thành, tự điển cho bảng so sánh về dị biệt trong cách phân chia những cõi của vũ trụ theo H.P.B và theo những tác giả về sau; cũng tương tự là sự khác biệt giữa cách gọi tên bẩy thể của con người theo H.P.B. và các vị khác. Mục khác giải thích một chữ (thí dụ astral body) trong sách bà Blavatsky có nghĩa này mà sách ông Leadbeater có nghĩa khác, ta nên biết để hiểu đúng ý mỗi vị.
Sách là nỗ lực chung của các hệ phái TTH như hệ phái Adyar, Pasadena, United Lodge of Theosophists do đó hết sức đáng khen. Các hệ phái có lúc đã không thuận thảo với nhau tuy nhiên trong tự điển mỗi hệ phái phụ trách mục mà họ thông thạo và có hiểu biết nhất, cho ra phần trình bầy chính xác và chi tiết, chẳng hạn hệ phái Pasadena viết về ông William Q. Judge và sự phát triển của Hội tại Point Loma. Dù vậy, bởi đây là tự điển nhiều mục có nghĩa các mục bị giới hạn dài ngắn nên có khi phần giải thích không đầy đủ, tiểu sử nhân vật phải rút gọn và do đó bỏ qua một số điều liên quan đến họ; trong vài trường hợp  điểm chính yếu lại không được đưa vào sách nên phần trình bầy hóa thiếu sót, thí dụ mục về hình chụp tiên nữ .
Một sơ sót khác hết sức đáng tiếc trong sách là tuy có những mục nói về hoạt động của các xứ bộ TTH, xứ bộ nước nào cũng được bàn tới vừa phần lịch sử hình thành vừa sinh hoạt từ đó tới nay, vậy mà không có xứ bộ Việt Nam. Khi PST nêu ra thiếu sót này với hai vị phụ tá chủ biên là ông Vicente R. Hao Chin Jr. và Richard W. Brooks, thì được cho hay là ấn bản đầu tiên bán quá chạy và đã gần hết nên TPH có dự định ra ấn bản thứ hai, và thiếu sót này sẽ được chữa lại. Tuy nhiên có thể mất vài năm để soạn xong ấn bản mới.
Dù tự điển rất hữu ích trong việc làm sáng tỏ những cách dùng và ý nghĩa khác nhau của chữ và ý niệm trong sách vở TTH tùy theo trường hợp và tác giả, xét ra nó thích hợp nhất cho tổ chức thí dụ thư viện chi bộ hay nhóm học tập, hơn là cho cá nhân. Trừ phi bạn nghiên cứu nhiều về sách vở TTH và đi sâu vào phần triết lý trừu tượng đông và tây với chữ Phạn, Hy Lạp, Latin, Hebrew thì sách thực sự là tin mừng cho học giả, còn thì tự điển không có ích mấy cho ai ít bận tâm về từ ngữ chuyên môn và đã hài lòng với sách vở TTH bằng Việt ngữ và PST ! Bởi sẽ có ấn bản thứ hai hoàn bị hơn, có lẽ bạn không nên mua ấn bản đầu mà nên chờ sách mới, vả lại ấn bản đầu không có mục về xứ bộ Việt Nam thì lại càng không có lý do để mua sách ! Bạn có thể tiếp tay với PST, viết thư yêu cầu có mục nói về xứ bộ Việt Nam trong ấn bản thứ hai của tự điển và cung cấp tài liệu nếu có. Đây là địa chỉ liên lạc:
The  Theosophical Publishing House
1 Iba Street (Corner P. Florentino and Iba Street)
Quezon City, Manila, Philippines.
Email: tspeace@info.com.ph.
hoặc: Quest Books
P.O. Box 270
Wheaton, Il. 60189-0270